PHÒNG KHÁM TIÊU HÓA - GAN MẬT
TS.BS. NGUYỄN HỮU CHUNG
Lịch khám: Các buổi Sáng thứ 2,3,4,5,6, thứ 7, chủ nhật. Làm từ 6h30 sáng.
ĐỊA CHỈ PHÒNG KHÁM
Tại 476 Vĩnh Viễn, quận 10
TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0981 6300 68
Viêm dạ dày là gì ?
Là tình trạng viêm xảy ra ở thành của dạ dày
Biểu hiện viêm sung huyết của dạ dày (hình ảnh nội soi)
Nguyên nhân dẫn tới viêm dạ dày ?
Khi các yếu tố bảo vệ dạ dày bị suy yếu, dạ dày sẽ bị tổn thương bởi axit và các dung dịch tiêu hóa.
Ai có nguy cơ bị viêm dạ dày ?
- Bị nhiễm vi khuẩn HP (viết tắt của Helicobacter pylori)
- Uống một số thuốc kháng viêm, thuốc giảm đau
- Uống nhiều rượu bia
- Hàng loạt trường hợp bệnh nhân đột nhiên có biểu hiện triệu chứng viêm dạ dày sau một thời gian uống các thuốc không rõ nguồn gốc.
- Căng thẳng lo âu
- Cao tuổi
- Một số nguyên nhân hiếm gặp hơn, khá phức tạp, nên tôi không đề cập tại đây.
Thế nào là viêm dạ dày cấp tính và viêm dạ dày mạn tính ?
Viêm dạ dày cấp tính:
- Triệu chứng xuất hiện đột ngột
- Thường cải thiện và bình phục nhanh khi được điều trị kịp thời, đúng cách
Viêm dạ dày mạn tính:
- Bệnh diễn biến trong nhiều năm
- Có thể gây biến đổi hình thái cấu trúc các tế bào ở thành dạ dày, dẫn tới nguy cơ ung thư dạ dày.
Các biến chứng của viêm dạ dày ?
Nếu không được điều trị, từ viêm dạ dày sẽ có thể dẫn tới:
- Loét dạ dày: khi tổn thương ăn sâu hơn vào thành dạ dày
- Chảy máu dạ dày: khi quá trình viêm gây tổn thương thành mạch máu, sẽ dẫn tới chảy máu (xuất huyết) dạ dày. Bệnh nhân có thể nôn ói ra máu, hoặc đi cầu ra máu. Đây là biến chứng nặng, nếu chảy máu nhiều mà không kịp cấp cứu và điều trị cầm máu thì có thể tử vong.
- Thủng dạ dày: khi tổn thương xuyên qua các lớp của thành dạ dày, dẫn tới thủng. Đây là biến chứng nặng, có thể tử vong nếu không kịp thời phát hiện và điều trị phẫu thuật.
- Ung thư dạ dày: một số trường hợp viêm dạ dày mạn tính (lâu năm) có thể dẫn tới ung thư dạ dày.
Triệu chứng viêm dạ dày ?
- Khó chịu vùng trên rốn. Ở người Việt Nam, người bệnh có thể mô tả triệu chứng khó chịu đó theo nhiều cách: đau, tức, "có gì đó cắn cắn", " có gì đó ê ê", cảm giác "châm chích", ... Cho nên khi khám bênh, nếu cần thiết thì tôi sẽ hỏi bệnh nhân bằng hàng loạt từ ngữ khác nhau như vậy, nhằm không bỏ sót triệu chứng bệnh.
- Cảm giác nóng rát hoặc xót xa vùng trên rốn
- Cảm giác đầy bụng, chậm tiêu sau khi ăn
- Có thể mắc ói (buồn nôn) sau ăn
- Có thể nôn ói sau ăn
Chẩn đoán viêm dạ dày ?
Nhờ hỏi bệnh và khám bụng trực tiếp, bác sĩ cũng đã có thể chẩn đoán tình trạng viêm dạ dày.
Tuy nhiên, bác sĩ có thể làm một số xét nghiệm để đánh giá chính xác tình trạng bệnh.
- Các xét nghiệm để phát hiện vi khuẩn HP
- Nội soi dạ dày: Giúp quan sát bề mặt bên trong của dạ dày, từ đó đánh giá mức độ viêm, vị trí viêm trong dạ dày, các biến chứng của viêm dạ dày (loét, chảy máu, ung thư dạ dày)
Vi khuẩn HP là gì ?
Là một loại vi khuẩn có khả năng thích nghi với môi trường axit của dạ dày, tồn tại trong dạ dày của nhiều người và có thể gây tổn thương thành dạ dày, dẫn tới viêm dạ dày và hàng loạt biến chứng khác.
Vi khuẩn Helicobacter pylori dưới kính hiển vi điện tử (D. J. Kelly)
Đường lây nhiễm vi khuẩn HP ?
- Cơ thể người là nguồn chứa chính của vi khuẩn H.pylori
- Lây truyền từ người này qua người khác
- Vi khuẩn HP có mật độ cao trong chất nôn và có thể phát hiện được trong nước bọt, phân
- Lây nhiễm có thể xảy ra qua việc ăn uống khi nguồn nước chưa được xử lý sạch và thực phẩm rửa chưa sạch
Tỉ lệ nhiễm H.pylori có cao không?
- HP là loại nhiễm khuẩn phổ biến nhất ở người, ảnh hưởng tới 50% dân số thế giới
- Tỉ lệ phát hiện nhiễm H.pylori dao động từ 7% ở những nước phát triển ở Tây Âu, Bắc Mĩ (điều kiện vệ sinh tốt) tới 97% ở những nước ít phát triển hơn tại châu Phi, Nam Mĩ, và châu Á (điều kiện vệ sinh kém hơn).
- Tại Việt Nam, tuy chưa có nghiên cứu chính thức, nhưng ước tính những người từ 18 tuổi trở lên thì tỉ lệ nhiễm HP vào khoảng 50-70%.
- Tỉ lệ phát hiện nhiễm H.pylori đang có chiều hướng giảm, nhất là ở những nước phát triển (nhờ vệ sinh phòng ngừa và điều trị tiệt trừ H.pylori)
Vì sao người bị viêm dạ dày phải xét nghiệm vi khuẩn HP ?
Do vi khuẩn HP là tác nhân hàng đầu gây viêm dạ dày, cũng như nhiều biến chứng nguy hiểm. Bệnh viêm dạ dày cũng dễ tái phát nếu không tiệt trừ HP.
Làm thế nào để đảm bảo xét nghiệm vi khuẩn HP chính xác ?
- Không dùng các thuốc kháng sinh trong vòng 4 tuần trước khi làm xét nghiệm.
- Không dùng các thuốc điều trị bệnh dạ dày trong vòng 2 tuần trước khi làm xét nghiệm.
Nếu không tuân thủ điều kiện như trên thì có thể dẫn tới kết quả âm tính giả, nên cứ "tưởng là" không có HP trong dạ dày. Từ đó, điều trị sai cách, dẫn tới uống thuốc kéo dài, tốn kém chi phí, mệt mỏi, mà lại không bớt bệnh.
Các xét nghiệm để phát hiện vi khuẩn HP ?
Có nhiều phương pháp xét nghiệm để phát hiện vi khuẩn HP. Nhưng thường dùng nhất là 2 phương pháp:
- Nội soi dạ dày
- Xét nghiệm tìm HP trong hơi thở (cách nói quen thuộc là " xét nghiệm thổi bong bóng")
Ưu điểm của nội soi dạ dày ?
- Góp phần đánh giá mức độ viêm (nặng hay nhẹ) qua hình ảnh bên trong dạ dày
- Phát hiện các biến chứng: loét dạ dày, chảy máu (xuất huyết) dạ dày, ung thư dạ dày
- Ưu tiên thực hiện cho những người: > 40 tuổi (đặc biệt là nếu chưa soi dạ dày lần nào), trong nhà có người thân bị ung thư dạ dày, có các triệu chứng báo động (đọc thêm phía dưới)
- Tuy nhiên, phương pháp này còn phụ thuộc kinh nghiệm và kĩ năng của bác sĩ nội soi.
Triệu chứng "báo động" là gì ?
Là những triệu chứng gợi ý những biến chứng nguy hiểm của viêm dạ dày ( đặc biệt là ung thư dạ dày ). Cần đặc biệt lưu ý à:
- Thiếu máu không rõ nguyên nhân
- Sụt cân trong vòng 3-6 tháng (đặc biệt là sụt cân nhanh, sụt cân nhiều)
- Thương xuyên nôn ói sau khi ăn
Ưu điểm của xét nghiệm tìm HP trong hơi thở ?
- Dễ chịu vì không phải đút máy nội soi qua miệng
- Nhanh chóng
- Thường là phương pháp được lựa chọn với bệnh nhân trẻ tuổi, hoặc bệnh nhân từ chối nội soi dạ dày.
Nội soi gây mê liệu có hại không ?
Hầu như không gây hại. Thuốc sử dụng cho gây mê bệnh nhân khi nội soi dạ dày có thời gian tác dụng ngắn. Do đó, không ảnh hưởng lâu dài, không gây hậu quả ảnh hưởng lên hệ thần kinh (nói riêng) và cơ thể (nói chung) sau này.
Nhờ nội soi gây mê mà bệnh nhân không bị kích thích, có thể tiến hành soi cho những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch nặng, bệnh lý hô hấp, cao tuổi, bất thường tâm lý (kích động, ...), hoặc bệnh nhân lo lắng. Những trường hợp đó, nội soi có thể khó khăn nếu tiến hành theo cách thông thường.
Phòng ngừa lây nhiễm H.pylori ?
- Hiện tại không có biện pháp nào để có thể phòng ngừa hữu hiệu nhiễm khuẩn H.pylori. Giáo dục kiến thức vệ sinh trong cộng đồng là biện pháp phòng ngừa tốt nhất hiện nay.
- Nghiên cứu vaccine phòng ngừa nhiễm H.pylori hiện là một vấn đề được quan tâm.
- Nhiễm H.pylori liên quan tới nhiều bệnh khác nhau. Tiệt trừ H.pylori được chỉ định nhằm điều trị bệnh liên quan, phòng ngừa tái phát bệnh đó, hoặc sự phát triển bệnh trong tương lai (ở những người có nguy cơ cao)
Có nên tiệt trừ vi khuẩn HP ?
Những đối tượng sau đây nên điều trị tiệt trừ vi khuẩn HP:
- Người bị viêm dạ dày có HP. Tiệt trừ H.pylori làm giảm tỉ lệ tái phát bệnh.
- Những bệnh nhân đã phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày, tiệt trừ HP giúp giảm sự phát triển của ung thư dạ dày sau này.
- Tiệt trừ HP được khuyến cáo ở những người thân thuộc trong gia đình có người bị ung thư dạ dày, vì họ được coi làn những người có nguy cơ cao.
- Dù còn nhiều ý kiến chưa thống nhất, một số hướng dẫn thực hành đã khuyến cáo điều trị tiệt trừ HP ở những bệnh nhân viêm teo dạ dày, chuyển sản ruột (những bất thường về cấu trúc tế bào thành dạ dày). Các nghiên cứu cho rằng việc tiệt trừ HP có thể dẫn tới thoái lui những tình trạng được coi là tiền ung thư trên.
- Nên xem xét tiệt trừ HP ở những bệnh nhân nguy cơ cao chảy máu đường tiêu hóa, đặc biệt là ở những người cần sử dụng lâu dài thuốc kháng viêm, giảm đau để điều trị các bệnh lý khác.
Vì sao điều trị tiệt trừ vi khuẩn HP có thể bị thất bại ?
Phác đồ được khuyến cáo dùng để tiệt trừ HP có hiệu quả khoảng > 80% số trường hợp được điều trị.
Nguyên nhân thất bại có thể là:
- Toa thuốc không hợp lý dẫn tới hiệu quả điều trị kém (Trong thực tế, tôi gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân từng được điều trị bằng những toa thuốc có liều lượng / hoặc số ngày uống thuốc / hoặc cách phối hợp thuốc không hợp lý).
- Người bệnh uống thuốc không đúng cách (đúng giờ, đúng liều, đủ số ngày được yêu cầu)
- Vi khuẩn HP đã kháng thuốc ( đây là hệ quả của việc lạm dụng thuốc kháng sinh, sử dụng thuốc kháng sinh không hợp lý.
- Chất lượng thuốc không đảm bảo.
Làm gì nếu điều trị HP thất bại sau một đợi điều trị ?
-
Bác sĩ nên tìm hiểu kĩ, đánh giá nguyên nhân vì sao bệnh nhân điều trị thất bại.
- Điều trị lại cho bệnh nhân bằng các phác đồ hợp lý hơn.
- Sử dụng phác đồ dự phòng để điều trị "cứu vãn"
-
Cấy vi khuẩn HP để làm kháng sinh đồ ( nuôi cấy vi khuẩn dạ dày trong môi trường đặc biệt, cho chúng mọc lên thật nhiều, rồi thử dùng các loại kháng sinh khác nhau. Sau đó chọn ra loại kháng sinh phù hợp nhất.
Trong đa số các trường hợp, bằng các biện pháp như trên, có thể diệt được vị khuẩn dạ dày.
Tại sao viêm dạ dày lại hay tái phát ?
- Do không tuân thủ chế độ ăn uống, chế độ sinh hoạt
- Do thường xuyên uống những thuốc kháng viêm, giảm đau (ngay cả những trường hợp không thật sự cần thiết, ví dụ: viêm mũi, viêm họng, ... )
- Uống quá nhiều thuốc, uống thuốc không rõ nguồn gốc.
Người bị viêm dạ dày nên ăn uống như thế nào ?
- Nên ăn đúng giờ (những người làm ca đêm, giờ ăn thất thường, hay bỏ bữa, ... là những người dễ bị tái phát bệnh).
- Hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ (hạn chế đồ chiên xào, thịt mỡ), thức ăn cay, và hạn chế rượu bia.
Viêm dạ dày hay viêm dạ dày - tá tràng ?
- Tá tràng là đoạn ruột nằm kế tiếp ngay sau dạ dày
- Bệnh lý dạ dày tá tràng có nhiều mối liên quan tới nhau
- Viêm tá tràng và các biến chứng khác (loét - chảy máu / xuất huyết - thủng - ung thư) cũng có nhiều liên hệ với vi khuẩn HP
Làm thế nào để hạn chế tái phát viêm dạ dày tá tràng ?
Điều trị đúng, kết hợp với chế độ ăn phù hợp, và tránh dùng các thuốc hại dạ dày là những biến pháp giúp hạn chế tái phát.
Người bị viêm dạ dày - tá tràng có nên uống thuốc liên tục trong thời gian dài ?
Không nên. Khác với những bệnh đòi hỏi phải uống thuốc liên tục kéo dài (ví dụ: tăng huyết áp, tiểu đường, viêm gan siêu vi B, ... ) người bị viêm loét dạ dày tá tràng không nhất thiết phải uống thuốc kéo dài. Quan trọng nhất là điều trị đúng thuốc, đúng cách.
Chẩn đoán chính xác và điều trị đúng cách giúp rút ngắn thời gian điều trị, người bệnh không phải uống nhiều thuốc, tích kiệm được rất nhiều chi phí cho người bệnh.
Quan điểm của tôi là: Người khỏe mạnh là người không phải uống thuốc. Người bị bệnh thì cũng uống thuốc càng ít càng tốt, càng ngắn ngày càng tốt (nếu không phải là bệnh cần uống thuốc suốt đời).
PHÒNG KHÁM TIÊU HÓA - GAN MẬT
TS.BS. NGUYỄN HỮU CHUNG
Lịch khám: Các buổi Sáng thứ 2,3,4,5,6, thứ 7, chủ nhật. Làm từ 6h30 sáng.
ĐỊA CHỈ PHÒNG KHÁM
Tại 476 Vĩnh Viễn, quận 10
TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0981 6300 68